pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngày Dân số thế giới (11/7): Nâng cao quyền quyết định về sức khỏe sinh sản của phụ nữ
Cán bộ y tế Trạm y tế huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, tư vấn sinh sản cho phụ nữ mang thai - Ảnh: Kiều Trang
Những điều khó lên tiếng
13 tuổi đã lấy chồng, 19 năm qua, chị La Thị Tuấn (ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) sinh liên tiếp 7 người con. Con lớn nhất của vợ chồng chị Tuấn năm nay 18 tuổi, đã đi làm công nhân, còn con nhỏ nhất mới 10 tháng tuổi.
Lấy chồng, sinh con sớm, lại sinh nhiều con cùng với cuộc sống vất vả khiến chị Tuấn trông già hơn so với tuổi thật. Mặc dù không muốn sinh thêm con nhưng do quan niệm "phải sinh bằng được con trai" khiến chị Tuấn phải cắn răng chiều theo ý của chồng.
Chồng của chị Lê Hoàng Điệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có nhu cầu tình dục cao, tính lại hay giận dỗi. Mỗi khi không được đáp ứng "chuyện gối chăn", chồng chị lại mặt nặng mày nhẹ nên từ khi lấy nhau, chị luôn phải chiều theo ý của chồng để yên cửa yên nhà.
Chia sẻ với chuyên gia tâm lý, chị Hoàng Điệp cho biết, việc quan hệ tình dục đối với chị lâu nay như là nghĩa vụ để đổi lấy thái độ vui vẻ của chồng. Thậm chí, chị thấy sợ phải quan hệ tình dục. Đôi lần, chồng chị còn không sử dụng bao cao su khiến chị phải uống thuốc tránh thai khẩn cấp, dẫn đến rối loạn kỳ kinh nguyệt.
Từng làm công tác khám chữa bệnh ở vùng cao, bác sĩ Trần Thị Hải Hà (khoa Phụ sản, Bệnh viện E Hà Nội) đã gặp nhiều trường hợp bị tai biến sản khoa khi sinh con tại nhà.
"Khi thăm khám cho phụ nữ ở vùng cao, bác sĩ không chỉ phải quan tâm khám bệnh mà còn để tâm cả các vấn đề xã hội mà người phụ nữ đó phải đối diện, hướng dẫn và tư vấn cho họ về các nguy cơ nếu sinh con tại nhà, thậm chí phải hướng dẫn họ cách thuyết phục được chồng cũng như bố mẹ hai bên để cho sản phụ tới bệnh viện sinh con", bác sĩ Hải Hà chia sẻ.
Theo bác sĩ Lê Huy Tuấn (Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội), chăm sóc sức khỏe sinh sản là một tập hợp các phương pháp, kỹ thuật và dịch vụ nhằm giúp cho con người có tình trạng sức khỏe sinh sản khỏe mạnh. Quan hệ tình dục là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, trong đó nam và nữ đều bình đẳng như nhau. Quan hệ tình dục nhằm tạo ra những khoái cảm cho cả hai bên và cũng là điều kiện để duy trì nói giống.
Để tự chủ những vấn đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phụ nữ cần có kiến thức, biết chăm sóc sức khỏe bản thân. Trong mọi trường hợp, phụ nữ và trẻ em gái phải hiểu được quyền của mình liên quan đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.
Nam giới cần chủ động và chia sẻ
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền - Phó trưởng Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết, các biện pháp tránh thai hiện nay về mặt thiết kế, sản xuất cũng như tính năng phù hợp và tiện lợi cho nữ giới nhiều hơn. Điều này dẫn đến quan điểm cho rằng phụ nữ mới cần tránh thai.
Vì vậy, về mặt truyền thông, cần hướng đến việc huy động sự tham gia của nam giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt trong kế hoạch hóa gia đình để chủ động với các biện pháp tránh thai. Thông điệp truyền thông cần nói rõ tác dụng phụ không mong muốn đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ, để nam giới cùng đồng hành và chia sẻ.
"Nam giới chủ động tham gia vừa chia sẻ vừa sử dụng các biện pháp tránh thai, giúp việc chủ động tránh thai có thể chuyển sang nam giới. Nó giúp hạn chế các nguy cơ, tác dụng phụ của thuốc tránh thai với nữ giới, bởi các biện pháp tránh thai hiện nay đều có yếu tố tác dụng phụ", Tiến sĩ Thu Hiền cho biết.
Đồng thời, Tiến sĩ Thu Hiền cũng cho rằng, để đảm bảo cho quyền sinh sản, đời sống tình dục tốt hơn, nam giới nên tìm hiểu và gánh trách nhiệm chia sẻ với phụ nữ. Nam giới dùng bao cao su vừa tiện lợi, phòng ngừa lây truyền bệnh qua đường tình dục...
Bạo lực tình dục đối với phụ nữ có thể phòng ngừa được
Trên toàn thế giới, gần 1/3 (27%) phụ nữ trong độ tuổi 15-49 từng có quan hệ tình cảm cho biết họ đã phải chịu một số hình thức bạo lực thể chất và/hoặc tình dục bởi bạn tình.
Đặc biệt, việc phong tỏa trong đại dịch Covid-19 và các tác động kinh tế và xã hội của nó đã làm tăng khả năng phụ nữ tiếp xúc với đối tác bạo hành và các yếu tố rủi ro đã biết, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ của họ. Theo một nghiên cứu của Đại học Michigan, tỷ lệ quan hệ tình dục cưỡng bức ở tuổi trưởng thành sớm đã tăng lên trong đại dịch Covid-19, dẫn đến khả năng gia tăng mang thai ngoài ý muốn và nhiều vấn đề khác như sức khỏe thể chất, tinh thần, tình dục và sinh sản của phụ nữ và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV ở một số môi trường.
Ngành y tế có vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho phụ nữ bị bạo lực và là đầu mối giới thiệu phụ nữ đến các dịch vụ hỗ trợ khác mà họ có thể cần.
Tiến sĩ Thu Hiền cũng nêu ví dụ, hiện nay một số đàn ông đã tình nguyện triệt sản để giảm áp lực gánh nặng tránh thai cho người vợ của mình. Quan niệm truyền thống cho rằng nam giới có quyền lực trong tình yêu, hôn nhân, nam giới chủ động nhắm đối tượng, chủ động hẹn hò, cầu hôn, kết hôn, chủ động trong tình dục. Dẫn đến việc đưa cho nam giới một công cụ vô hình quyết định cả vấn đề sinh hoạt tình dục. Những suy nghĩ đó cần được thay đổi. Quan hệ tình dục cần có sự đồng thuận của cả 2 người và việc đồng thuận này cũng phải là chiến dịch dài hơi. Chỉ có sự chủ động và đồng thuận trong quan hệ tình dục mới giúp phụ nữ chủ động về sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai.
Có những phụ nữ trong tình yêu bị xâm hại, áp bức bởi tư tưởng buộc phải chiều đối phương, bị ép buộc, khống chế, bị xâm hại trong tình yêu. "Các bạn nữ cần hiểu rằng, trong tình yêu, tình dục đều phải có sự đồng thuận. Không nên "tặc lưỡi chiều bạn tình cho xong" mà tình dục phải có sự thăng hoa của cả hai bên. Điều đó còn giúp phụ nữ giải phóng về mặt cơ thể khi được chủ động và tự quyết vấn đề liên quan đến tình dục và sức khỏe sinh sản", Phó trưởng Khoa Giới và Phát triển đưa ra lời khuyên cụ thể.